Mặc dù có sự xuất hiện của các hệ thống phòng khám cung cấp các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi giới tính nhưng người chuyển giới vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao và chưa tránh khỏi sự kỳ thị khi tiếp cận dịch vụ.

Viết bởi Elizabeth Black (biên tập viên), Vũ Hoàng Mai Châu (Trưởng mạng lưới cộng đồng người chuyển giới Việt Nam), Ngô Nga (Trưởng nhóm Dịch vụ Y tế, Việt Nam) và Zoe Humeau (Điều phối viên chương trình)  – Ngày 12 tháng 1 năm 2023.

Các giải pháp dự án USAID/PATH Healthy Markets và các đối tác cùng xây dừng nhằm cải thiện chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng người chuyển giới: 

Trong giai đoạn trước đây, các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phù hợp dành cho người chuyển giới hầu như chưa có tại Việt Nam. Mặc dù có sự xuất hiện của các hệ thống phòng khám cung cấp các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi giới tính nhưng người chuyển giới vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao và chưa tránh khỏi sự kỳ thị khi tiếp cận dịch vụ.  Điều này là một trong những lý do khiến cho cộng đồng người chuyển giới có tỷ lệ lẫy nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) cao và tỷ lệ sử dụng thuốc dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) thấp— (PrEP: thuốc dự phòng lây nhiễm HIV qua đường uống) Để cải thiện việc sử dụng PrEP cho cộng đồng người chuyển giới, PATH đã cùng các đối tác của mình, kết hợp với Bộ Y tế Việt Nam đang nỗ lực cải thiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới.

Thấu hiểu những rào cản đối với người chuyển giới

Các nghiên cứu tại Việt Nam đã chỉ ra rằng có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV đối với người chuyển giới nữ như mại dâm, nghèo đói, bạo lực, phân biệt đối xử, kỳ thị và bị xã hội “lề hóa”. Tuy nhiên, nhiều người chuyển giới nữ vẫn ngần ngại tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe vì những hạn chế trong nhận thức và sự thiếu hụt các dịch vụ chăm sóc cho người chuyển giới. Những số liệu trong lần thí điểm PrEP đầu tiên của quốc gia vào năm 2017 cho thấy tỷ lệ phụ nữ chuyển giới sử dụng PrEP tăng lên rất ít, những người này đã nêu ra lý do rằng họ lo ngại PrEP sẽ ảnh hưởng việc điều trị hormone hoặc tạo ra các tác dụng phụ không mong muốn cho họ.

Để cải thiện những phương án chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới, dự án Health Markets của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID)/PATH đã khảo sát hơn 400 phụ nữ chuyển giới vào năm 2018 để hiểu rõ hơn về nhu cầu của họ. Kết quả cho thấy: trong 68,6% tỉ lệ người chuyển giới nữ biết về PrEP, thì chỉ có 7,6% trong số họ đã từng hoặc hiện đang sử dụng PrEP. Và trong khi có đến 60,5% tỉ lệ người muốn được chăm sóc về dịch vụ định giới thì hầu hết họ không tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe do sợ bị ngược đãi và không có nhiều phòng khám thân thiện với người chuyển giới.

Những kết quả trên đã trở thành động lực dự án Healthy Markets và các đối tác của mình xây dựng một nhóm chăm sóc sức khỏe — gồm các tổ chức và lãnh đạo của cộng đồng chuyển giới nữ, mười phòng khám chủ chốt do người trong cộng đồng lãnh đạo và nhân viên dự án của dự án Healthy Markets — để xác định và giải quyết các rào cản đối với chất lượng dịch vụ PrEP cho người chuyển giới nữ.

Cuối cùng, nhóm phát hiện ra rằng người chuyển giới nữ ở Việt Nam gặp phải 5 rào cản chính đối với việc chăm sóc sức khỏe:

  1. Kiến thức chăm sóc sức khoẻ dành cho người chuyển giới của người cung cấp dịch vụ còn hạn chế.
  2. Số lượng phòng khám, nhà cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới nữ không nhiều.
  3. Các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho người chuyển giới chưa được lồng ghép vào các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
  4. Thông tin hạn chế về những tác động giữa thuốc PrEP và hormone định giới.
  5. Thiếu hướng dẫn quốc gia về chăm sóc sức khoẻ cho người chuyển giới trong các dịch vụ HIV.

Giải quyết các rào cản thông qua các biện pháp mang tính sáng tạo

Để giải quyết những rào cản trên, PATH đã hợp tác cùng với các đối tác địa phương để thành lập các khoá đào tạo cải tiến chất lượng chủ chốt trong đào tạo, nhân sự, cung cấp dịch vụ, tiếp cận cộng đồng và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe thông qua dự án Health Markets của USAID/PATH với sự hỗ trợ về kỹ thuật và Dự án Phát triển Bền vững Khu vực Tư nhân tại Việt Nam (STEPS).

“Khoảng cách trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới đang được thu hẹp dần. Các dịch vụ liên quan, chẳng hạn như kiểm tra mức độ hormone, hiện dễ tiếp cận hơn.”— Đỗ Tây Hà, là một người chuyển giới nữ và người cung cấp dịch vụ đồng đẳng

Cải thiện đào tạo và nhân sự

Dự án Healthy Markets đã hợp tác với Học viện Tangerine, cơ quan hàng đầu trong khu vực về chăm sóc sức khỏe cho người chuyển giới, để cung cấp chương trình đào tạo và tư vấn toàn diện cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Khóa đào tạo đã giúp nâng cao năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ trong việc quản lý điều trị cho khách hàng PrEP là người chuyển giới và cung cấp các dịch vụ khẳng định giới như một phần của chăm sóc sức khỏe ban đầu và HIV lồng ghép với nhau.

Các phòng khám PrEP cũng tuyển dụng nhân viên chăm sóc sức khỏe là người chuyển giới nữ để tư vấn và hỗ trợ cho khách hàng.

Bằng việc cải thiện năng lực của nhà cung cấp dịch và bố trí nhân sự cho các phòng khám chủ chốt do chính người chuyển giới lãnh đạo, dự án Healthy Markets và các đối tác của mình nhắm đến việc thiết lập dịch vụ chăm sóc chất lượng cao, đáng tin cậy, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Mở rộng cung cấp dịch vụ

Để đáp ứng yêu cầu của khách hàng về các dịch vụ bổ sung ngoài chăm sóc HIV, một số phòng khám PrEP sẽ có giới thiệu, tư vấn và xét nghiệm nồng độ hormone cho cho người chuyển giới; Xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục và viêm gan siêu vi B,C; và đánh giá và tư vấn sức khỏe tâm trí. Dự án Healthy Markets và STEPS đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và vận hành để hỗ trợ các phòng khám phát triển các dịch vụ của họ, đồng thời giúp mở thêm 9 phòng khám trọng điểm mới tại nơi tập trung dân cư từ cuối năm 2018 đến năm 2022.

Tạo điều kiện tiếp cận

Cùng với Mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam, những người có ảnh hưởng đến cộng đồng người chuyển giới nữ và các phòng khám do người trong cộng đồng lãnh đạo, dự án Healthy Markets đã giúp khởi động chiến dịch “Be Me, Be Happy”—một cộng đồng trực tuyến và ngoại tuyến, nơi các bạn chuyển giới nữ có thể tìm kiếm thông tin và hỗ trợ.

Trong chiến dịch, các nhà lãnh đạo của người chuyển giới nữ đã trực tiếp giải quyết những lo ngại về PrEP thông qua trang Facebook “Be Me Be Sexy” dành riêng cho người chuyển giới với các video chia sẻ, đại sứ  TikTok và các hoạt động tương tác khác. Bằng cách giúp người chuyển giới nữ tương tác với những người trong cộng đồng về PrEP một cách thoải mái và an toàn, chiến dịch đã giúp lấp đầy những khoảng trống thông tin quan trọng về PrEP, giải tỏa mọi sự kỳ thị hoặc lo lắng và tạo niềm tin vào các dịch vụ PrEP.

“Nhiều nhà lãnh đạo chuyển giới hiện có kỹ năng cao trong việc cung cấp các dịch vụ HIV và có tiếng nói mạnh mẽ về HIV và các vấn đề chống phân biệt đối xử.”— Vũ Hoàng Mai Châu, lãnh đạo và người có ảnh hưởng cộng đồng chuyển giới.

Xây dựng hướng dẫn trong việc cung cấp dịch vụ

Năm 2018, cùng với Cục Phòng chống HIV/AIDS Việt Nam, dự án Healthy Markets đã hỗ trợ xây dựng các hướng dẫn chăm sóc sức khỏe và HIV dành cho người chuyển giới đầu tiên, được xuất bản vào năm 2020. Việc xây dựng các hướng dẫn này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc cải thiện khả năng của Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao cho cộng đồng người chuyển giới.

Với những mong mỏi của cộng đồng, PATH đang hỗ trợ vận động cho luật mới cho người chuyển giới và khẳng định giới, luật mới này sẽ là hướng dẫn việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ người chuyển giới trên toàn quốc. Điều quan trọng là nó sẽ giúp xác định ai sẽ là người thuộc cộng đồng người chuyển giới, cách xác định họ ra sao và cách công nhận bản dạng giới của người chuyển giới một cách hợp pháp—tất cả điều này đều rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người chuyển giới.

Cung cấp dịch vụ PrEP dễ tiếp cận hơn 

Dự án đã quan sát thấy sự gia tăng đáng kể số người chuyển giới nữ đăng ký PrEP tại các địa điểm được dự án Healthy Markets/STEPS hỗ trợ—từ 46 người vào năm 2018 lên 777 người vào năm 2022—và khả năng duy trì cao các dịch vụ PrEP. Ngoài ra, hơn 500 người chuyển giới nữ đã tìm đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và HIV tích hợp ở 5 phòng khám vào năm 2022.

Mặc dù những cải thiện về chất lượng chăm sóc là rất quan trọng, nhưng một phần ba phụ nữ chuyển giới cho biết họ muốn sử dụng PrEP nhưng vẫn chưa dùng. Chính vì vậy việc giới thiệu sản phẩm PrEP với tác dụng lâu dài, cùng với nỗ lực tìm hiểu những thách thức và cơ hội tiềm năng trong việc sử dụng sản phẩm này ở người chuyển giới nữ sẽ là một cách tiếp cận quan trọng để giải quyết nhu cầu PrEP chưa được đáp ứng này.

Dự án STEPS cũng đang hỗ trợ thành lập phòng khám tư nhân đầu tiên do phụ nữ chuyển giới làm chủ – Phòng khám Ruby và phòng khám này được kỳ vọng sẽ phá vỡ các rào cản mà cộng đồng người chuyển giới gặp phải khi tiếp cận PrEP và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác.

 

Tin liên quan

  • Tình dục an toàn trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số: Thách thức và Cơ hội

    Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cuộc sống của chúng ta ngày càng bị chi phối bởi công nghệ, từ cách chúng ta giao tiếp, học tập đến cách chúng ta làm việc và duy trì các mối quan hệ cá nhân. Trong bối cảnh đó, tình dục an toàn cũng đang trải qua những…

  • Tại sao giáo dục tình dục toàn diện quan trọng?

    Giáo dục tình dục toàn diện (Comprehensive Sexuality Education – CSE) là một công cụ quan trọng trong việc trang bị cho mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, kiến thức và kỹ năng để đưa ra những quyết định an toàn và đúng đắn liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh…

  • Cập nhật những phương pháp phòng ngừa STIs hiệu quả 2024

    Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là một trong những vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu, với hàng triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Mặc dù nhiều bệnh STIs có thể điều trị được, nhưng một số có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu…

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED