Bạn là F0 đang phải điều trị COVID tại nhà, đừng quên dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng giúp bạn có thêm cơ hội vượt qua căn bệnh này. Dinh dưỡng giúp hỗ trợ và cải thiện “hàng rào” bảo vệ cơ thể, đồng thời cung cấp năng lượng cần thiết cho bạn.

Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Thị Đan Thanh – Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch chia sẻ về chế độ dinh dưỡng dành cho những F0 nhiễm COVID. Bài viết dưới đây được tổng hợp nội dung từ chương trình “Diễn đàn Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng” (Community Care Forum) số thứ sáu.

Theo bác sĩ Đan Thanh, để có sức khỏe vượt qua căn bệnh COVID, bạn cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý và phù hợp. Chế độ dinh dưỡng hợp lý bao gồm đủ các nhóm thực phẩm trong tháp dinh dưỡng bao gồm:

  • Nhóm bột đường: Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Trong bữa ăn của người Việt thì gạo là lương thực được sử dụng nhiều nhất, cũng nên ăn thay đổi các loại ngũ cốc khác (như khoai lang, khoai tây, bắp…) để làm đa dạng các loại thực phẩm, tăng cường lợi ích cho sức khỏe. Người Việt thường có thói quen ăn nhiều cơm, do đó làm cho tính cân đối của khẩu phần không được đảm bảo. Với người trưởng thành, năng lượng từ nhóm các chất bột đường chỉ nên chiếm 60 – 65% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do chất béo cung cấp (chiếm 20 – 25%) và chất đạm (chiếm 10 – 15%).
  • Nhóm chất đạm: Cung cấp các thành phần thiết yếu để xây dựng nên cơ thể, đảm bảo cơ thể tăng trưởng và duy trì nhiều hoạt động sống, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại bệnh tật. Cần ăn phối hợp cả thực phẩm giàu đạm động vật (như thịt, cá, trứng, sữa…) và đạm thực vật (từ các loại đậu, đỗ…). Các loại thịt đỏ (như thịt heo, thịt bò…) có nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt quan trọng đối với trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và phụ nữ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên, ăn nhiều thịt đỏ lại làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, ung thư, gout… do đó không nên ăn quá nhiều. Nên tăng cường ăn các loại thịt gia cầm (như gà, vịt, ngan, chim…) và nên ăn ít nhất 3 bữa cá mỗi tuần, ăn các loại hạt đậu, cũng là nguồn đạm thực vật tốt.
  • Nhóm chất béo (mỡ động vật và dầu thực vật): Giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động và tăng trưởng, hỗ trợ hấp thu các vitamin tan trong dầu, mỡ như vitamin A, D, E, K. Mỡ động vật thường chứa nhiều chất béo bão hòa, khó hấp thu, vì thế nên sử dụng hạn chế. Mỡ cá và mỡ gia cầm lại có nhiều chất béo chưa bão hòa, đặc biệt là omega 3, omega 6, omega 9, rất có lợi cho sức khỏe. Các loại dầu thực vật cũng thường có nhiều chất béo chưa bão hòa nên có tác dụng tốt cho tim mạch và được khuyến khích tiêu thụ như dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải…, hạn chế ăn đồ nướng vì làm tăng nguy cơ gây ung thư. Thực phẩm chế biên sẵn như mì ăn liền có nhiều chất béo chuyển hóa thể trans cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nên hạn chế ăn.Nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, trái cây…): Cung cấp các yếu tố vi lượng cũng như các chất bảo vệ, giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh, tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật ở mọi lứa tuổi. Các loại rau lá màu xanh sẫm và các loại rau, trái cây màu vàng, đỏ là nguồn cung cấp vitamin A giúp sáng mắt, tăng sức đề kháng, cung cấp chất sắt giúp chống thiếu máu thiếu sắt, đặc biệt giúp cơ thể trẻ em tăng trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó rau, trái cây còn chứa nhiều chất xơ và các chất chống oxy hóa nên có tác dụng nâng cao sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính không lây. Ăn ít rau và trái cây được cho là nguyên nhân của 1,7 triệu trường hợp tử vong, chiếm 2,8% tổng số trường hợp tử vong trên thế giới. Ăn ít rau và trái cây còn được ước tính là nguyên nhân của 19% số ung thư dạ dày, ruột, 31% các bệnh thiếu máu tim cục bộ, và 11% số trường hợp đột quỵ.

    Ăn thừa muối làm tăng nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, ung thư dạ dày, loãng xương, sỏi thận… Hiện nay đa số người dân đều ăn thừa muối từ 2 – 3 lần so với nhu cầu khuyến nghị là 5g muối/ngày.

Cũng theo bác sĩ Đan Thanh, cần đa dạng các loại thực phẩm trong ngày, bao gồm ít nhất 20 loại thực phẩm trở lên. Một thành phần dù nhỏ nhất tạo thành món ăn cũng được tính là một loại thực phẩm, ví dụ: gạo, thịt heo, cá lóc (quả), cà chua, cải bẹ, hành lá, v.v. Thông thường, một món ăn trong một bữa ăn đã có thể chứa từ 5 loại thực phẩm trở lên, ví như món phở thì gồm có: bánh phở, thịt bò, hành tây, hành lá, tỏi, ớt, ngò gai, húng quế, v.v.

Để theo dõi sự cân bằng của một bữa ăn, các bạn có thể tham khảo mô hình “Đĩa thức ăn của tôi” bên trên. Trong đó:

  • Ngũ cốc:  gạo, mì, bánh mì, các loại hạt ngũ cốc, và nếu được lựa chọn nên ưu tiên các loại thực phẩm có thành ngũ cốc nguyên cám như gạo lức, bánh mì nâu/đen, các loại hạt ngũ cốc còn nguyên lớp vỏ màu nâu.
  • Rau củ:  các loại rau củ tươi, đông lạnh hoặc phơi khô bằng cách để nguyên, cắt nhỏ hoặc nghiền. Nên ăn nhiều loại rau củ có màu xanh lá cây đậm, màu đỏ và màu cam, như các loại đậu (họ đậu cũng được xem theo nhóm chất đạm). Các loại rau củ giàu dinh dưỡng như bông cải xanh, cà rốt, cải, đậu ván, đậu xanh, đậu đen, khoai tây, bí ngô, khoai lang, cà chua, đậu ngự và các loại nước ép 100% từ rau củ.
  • Trái cây: các loại trái cây tươi, đông lạnh, phơi khô bằng cách để nguyên, cắt nhỏ hoặc xay nhuyễn. Các loại trái cây bổ dưỡng cho sức khoẻ như táo, đào, chuối, nho, cam, bưởi, xoài, dưa, mơ, thơm, dâu và các loại nước ép 100% từ trái cây.
  • Sữa: Sữa và các sản phẩm từ sữa như sữa, phô mai, và ya-ua (yaourt) cũng như những loại thức uống không có hoặc có ít đường lactose và sữa đậu nành. Nên chọn các loại sữa và các sản phẩm từ sữa không có hoặc ít béo, những loại sữa và các sản phẩm từ sữa có chứa can xi cũng nằm trong nhóm này. Nếu có thể, nên đảm bảo uống đủ 2 ly sữa mỗi ngày hoặc sử dụng các sản phẩm làm từ sữa có lượng tương đương để bổ sung đủ canxi.
  • Chất đạm: Chọn các loại thịt heo, thịt gia cầm, hải sản, các loại đậu, trứng, các sản phẩm từ đậu nành, và các loại hạt không muối. Nếu có thể, nên đảm bảo ăn ít nhất 240 gram hải sản mỗi tuần.

Nếu dùng đĩa để thức ăn cho trẻ, ta có thể hình dung được mỗi đĩa thức ăn của trẻ được chia như sau:

  • ¼ đĩa đạm và sữa
  • ¼ đĩa ngũ cốc
  • ½ đĩa trái cây và rau củ

Đối với người có HIV, thông thường lượng thức ăn sẽ tăng thêm 20% so với khẩu phần ăn trước khi nhiễm HIV.

Đặc biệt, bệnh nhân COVID trong giai đoạn có triệu chứng có thể mất khướu giác, vị giác, làm mất cảm giác ăn ngon. Tuy nhiên, không nên vì vậy mà bỏ bữa. Nếu cảm thấy khó ăn nhiều thức ăn cùng một lúc, các bạn có thể chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, và đảm bảo đủ lượng thức ăn bình thường. Khi và chỉ khi ăn đủ lượng thức ăn cần thiết và hợp lý, bạn mới có đủ năng lượng và sức khỏe để vượt qua COVID.

Tin liên quan

  • Cẩn trọng với bệnh đầu mùa khỉ: đã phát hiện 5 ca nhiễm ở Tp.HCM

    Trong xu thế toàn cầu hóa, giao thương du lịch dễ dàng giữa các quốc gia như hiện nay, nguy cơ bệnh từ nước ngoài xâm nhập vào và lây lan là hoàn toàn có thể. Các ca đậu mùa khỉ lây nhiễm nội địa chứng tỏ bệnh đã du nhập vào Việt Nam và…

  • Tăng huyết áp và HIV

    Huyết áp là áp lực mà trái tim đang của bạn tạo ra trong các mạch máu mang máu đi khắp cơ thể. Tăng huyết áp thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào, vì vậy việc đo huyết áp thường xuyên là rất quan trọng. Tăng huyết áp có thể gây căng thẳng…

  • Thử nghiệm giả thuyết lặp đi lặp lại trong nghiên cứu vắc-xin HIV: hướng tới thành công

    Sự phát triển của vắc-xin HIV vẫn là một mục tiêu quan trọng đối với sức khỏe toàn cầu. Các phương pháp phòng ngừa mới và đang nổi lên, chẳng hạn như dự phòng trước phơi nhiễm tác dụng kéo dài, có thể giúp giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, nhưng người ta chấp nhận…

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED