Ngày 9 tháng 12 năm 2022, đoàn công tác liên ngành đã đến làm việc, kiểm tra phòng khám của tổ chức Glink tại thành phố Vinh, Nghệ An.

Chiều 9/12, đoàn công tác liên ngành có cuộc làm việc với Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống AIDS, ma tuý, mại dâm tỉnh Nghệ An. Đồng chí Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cùng các thành viên ban chỉ đạo đã làm việc với đoàn.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao Nghệ An trong công tác phòng, chống HIV/AIDS

Tại cuộc làm việc, ông Trần Minh Tuệ – Phó giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã báo cáo cụ thể hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm của tỉnh Nghệ An năm 2022.

Theo đó, UBND tỉnh đã chủ động chỉ đạo, điều hành và xây dựng nhiều kế hoạch, triển khai các hoạt động chuyên môn về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh như: hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; Tư vấn Xét nghiệm HIV; Điều trị kháng vi rút HIV (ARV); điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP); Công tác đảm bảo tài chính cho hoạt động phòng chống HIV, bao gồm khám chữa bệnh, thanh toán qua nguồn BHYT…

Qua việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp; nâng tầm nhận thức và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác phòng, chống AIDS; góp phần tích cực làm giảm tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên với địa bàn rộng, với nhiều huyện miền núi có mức sống còn khó khăn, đường biên giới dài nên công tác phòng, chống HIV/AIDS còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Ngoài ra, nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống AIDS còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nguồn kinh phí được tài trợ từ các dự án bị cắt giảm, trong khi kinh phí hỗ trợ, phục vụ công tác phòng, chống AIDS từ ngân sách của tỉnh còn hạn chế.

Đặc biệt, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS mặc dù đã được quan tâm nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế, nhân lực của các cơ sở có sự thay đổi hoặc kiêm nhiệm nhiều vị trí. Cơ sở vật chất của một số cơ sở điều trị hiện tại đã xuống cấp nên ảnh hưởng đến quá trình vận hành hoạt động, gây khó khăn cho cán bộ y tế tại các cơ sở điều trị…

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của tỉnh Nghệ An trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống AIDS. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị: Tỉnh Nghệ An tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả các đề án, chương trình phòng, chống AIDS; phát huy hiệu quả sự phối hợp của liên ngành và các tổ chức cộng đồng để mở rộng hoạt động, các mô hình thí điểm; quan tâm đến đối tượng tiêm chích ma tuý và quan hệ tình dục đồng giới; tổ chức nghiên cứu để đánh giá toàn diện nguy cơ và đề ra các biện pháp phòng, chống có hiệu quả; cố gắng đảm bảo nguồn lực, sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống AIDS và quan tâm chế độ chính sách cho cán bộ thực hiện.

Đoàn đến thăm phòng khám HIV/AIDS của doanh nghiệp xã hội Glink tại Nghệ An

Cũng trong chuyến kiểm tra và làm việc tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Y tế và đoàn công tác cũng đã đến thăm Phòng khám Glink Nghệ An. Đây là Phòng khám chuyên cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm cộng đồng bao gồm cả nhóm LGBT tại Phòng khám cũng như tổ chức các hoạt động tiếp cận cộng đồng. Sau khi nghe ông Lê Gia Minh báo cáo về các hoạt động của Phòng khám, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao nỗ lực của các tổ chức cộng đồng nói chung và Phòng khám Glink nói riêng. Thứ trưởng cũng căn dặn Phòng khám cung cấp dịch vụ nhưng cần đảm bảo đúng các quy định của pháp luật, đồng thời đề nghị ngành Y tế Nghệ An tạo điều kiện cho các phòng khám cộng đồng hoạt động để tăng cường cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng đích.

Thứ trưởng nhấn mạnh, kết quả thực hiện các mục tiêu 90-90-90 ở Nghệ An mới đạt được 1 mục tiêu đó là tỷ lệ người được điều trị ARV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng ức chế đạt 96,81%. Hai mục tiêu còn vẫn chưa đạt. Bởi vậy, Nghệ An cần tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Dự án VUSTA | Dự án Quỹ Toàn Cầu Phòng, chống HIV/AIDS

Tin liên quan

  • Tình dục an toàn trong Kỷ nguyên Kỹ thuật số: Thách thức và Cơ hội

    Trong kỷ nguyên kỹ thuật số, cuộc sống của chúng ta ngày càng bị chi phối bởi công nghệ, từ cách chúng ta giao tiếp, học tập đến cách chúng ta làm việc và duy trì các mối quan hệ cá nhân. Trong bối cảnh đó, tình dục an toàn cũng đang trải qua những…

  • Tại sao giáo dục tình dục toàn diện quan trọng?

    Giáo dục tình dục toàn diện (Comprehensive Sexuality Education – CSE) là một công cụ quan trọng trong việc trang bị cho mọi người, đặc biệt là thanh thiếu niên, kiến thức và kỹ năng để đưa ra những quyết định an toàn và đúng đắn liên quan đến sức khỏe tình dục và sinh…

  • Cập nhật những phương pháp phòng ngừa STIs hiệu quả 2024

    Các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) là một trong những vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng trên toàn cầu, với hàng triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Mặc dù nhiều bệnh STIs có thể điều trị được, nhưng một số có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng nếu…

Bản quyền Glink © CÔNG TY TNHH DOANH NGHIỆP XÃ HỘI GLINK VIỆT NAM - Copyright Glink © GLINK VIETNAM SOCIAL ENTERPRISE COMPANY LIMITED